Bánh Trung Thu nướng

Cuối cùng thì cũng tới hạn 3 tuần sau khi nấu lọ nước đường, đây là thời điểm sớm nhất có thể làm bánh TT nướng nên bắt tay làm luôn. Bày biện ra làm mới thấy lỉnh kỉnh tùm lum loại nhân phải rang, xào… may mà có cô em rảnh rỗi nên phụ chị làm. Hai chị em cũng phải mất cả 2 tiếng mới làm xong mẻ bánh 15 cái bánh truyền thống và 1 đàn heo, cá cho bé Nah.

Trời ơi, làm bánh nướng khó gấp 10 lần bánh dẻo nhé, vì lớp vỏ bánh mỏng te, nhân thì nhiều nên phải khéo tay lắm thì nhân mới không lòi ra ngoài, hehe. Thành thật mà nói thì tới cái thứ 5,6 gì đó tui mới làm được cái bánh không bị lòi nhân!

Bánh đây, sau 4 ngày để cho bánh có thời gian mềm, aging:

Còn đây là mâm bánh sau khi đã cho vào khuôn giấy, chỉ cần thêm lớp nylon bọc bên ngoài là giống y chang bánh ngoài tiệm rồi.

Không có thời gian để arrange chụp hình sao cho đẹp, thôi tạm khoe mấy tấm này.

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm, chả biết tay ai làm lá sen?

Mùa này đã là mùa cốm, nhưng tìm làm sao ra món cốm tươi ở cái đất Sài Gòn này? Cầu được ước thấy nhé, sáng nay một người bạn quen ở HN gửi cho ít cốm tươi, loại cốm lá me đàng hoàng nhé. Ôi, cảm ơn bạn biết bao nhiêu, nha Th.

Cốm tươi đây, mùi cốm tươi thật thơm.

Chiều nay làm ngay món cốm xào dừa, ngon ơi là ngon.

Không quá khó để thực hiện món cốm xào dừa. Những hạt cốm tươi được cho vào ngâm với 1 ít nước cốt dừa, giúp cho cốm được mềm, ẩm để tạo độ dẻo sau khi xào. Cho ít nước và đường cát trắng vào nồi, khuấy đều cho tan đường rồi nấu cho hơi sánh lại. Cho cốm vào, đảo đều tay. Cho dừa nạo vào, trộn đều, đơm ra dĩa, cho thêm ít dừa tươi nạo lên trên mặt. Cốm xào dừa là món quà quê thơm ngon, ngọt béo mà vẫn giữ được mùi thơm nhẹ nhàng của hạt lúa mới.

Vậy là cả mùa thu Hà Nội đã hiện diện khắp đâu đây trong lòng phố Sài Gòn.

Nấu nước đường cho bánh trung thu

Một trong những bí quyết làm bánh trung thu ngon là việc nấu nước đường dùng để làm bánh.

Nước đường làm bánh nướng và nước đường làm bánh dẻo khác nhau. Nước đường bánh nướng phải nấu từ lâu trước khi bắt tay vào làm, cách nấu cũng phức tạp hơn. Còn nước đường bánh dẻo lại dễ hơn rất nhiều và có thể dùng ngay. Cách làm theo như ở đây, cũng như cũng gom góp 1 số ý kiến tổng hợp khác. Copy về blog để lúc nào cần thì có mà xem.

1. Nước đường cho bánh dẻo:

Có 2 cách nấu nước đường dùng cho bánh dẻo:

Cách 1 : 1 kg đường cát + 1 kg nước lã khuấy đều cho tan đường, sau đó bắt lên bếp lửa trung bình đun lên thấy sôi thì tắt bếp (thấy nước bắt đầu sôi ục ục thì để cho sôi khoảng 10 giây là tắt bếp). Có thể thử xem nước đường đã OK chưa bằng cách lấy 1 chiếc đũa, nhúng vào nồi nước đường rồi cho vào 1 chén nước nhỏ, nếu giọt nước đường gom lại mà không tan chảy ra là được.

Cách này dễ nấu và dùng cho bánh ăn trong vài ngày, bánh không để lâu được.

Cách 2 : 1kg đường cát + 1kg nước lã khuấy đều cho tan đường, sau đó bắt lên bếp lửa trung bình. Sau 20′ thì cho nước cốt 1 trái chanh vào khuấy nhẹ và 5′ sau thì tắt bếp. Cách này làm cho bánh ngọt nhiều và có thể để bánh lâu hơn cách 1.

Với lượng nước + đường như trên sau khi nấu xong sẽ được khoảng 1,2 lít nước đường thành phẩm. Theo cá nhân tôi thì lượng nước và đường trên là khá ổn, bánh không ngọt quá như ở ngoài tiệm, rất vừa ăn.

Để nước đường nguội lại thì đổ vào keo sạch đậy kín bảo quản nơi khô ráo thoáng mát và có thể dùng ngay.

2. Cách nấu nước đường cho bánh nướng: Cách này chỉ cần để 3 tuần là có thể sử dụng rồi.

Nguyên liệu :
_ 1kg đường mỡ gà/đường cát
_ 1kg nước lã
_ 2 trái chanh vắt lấy nước cốt
_ 2 muỗng cafe nước tro tàu + 4m nước lã–> khuấy tan

Cách làm: bạn Andee chỉ cách dùng đũa đo rất hay.

– Cho nước và đường vào nồi, khuấy đều tan, dùng cây đũa đo mực nước: cho cây đũa vào đụng đáy nồi, từ đáy nồi tới mặt nước đánh dấu 1 vạch trên cây đũa.

– Bắt nồi lên bếp nấu lửa vừa, không khuấy đảo, không đậy nắp.

– Cách tính với cây đũa canh mực nước nè: Từ đầu đũa (chỗ tiếp xúc với đáy nồi) tới vạch đánh dấu chia làm 3 phần (tạm gọi là vạch lớn).
+ Đoạn 1/3 trên cùng lại chia làm 3, tạm gọi là vạch nhỏ, nấu nước đường cho tới khi nước cạn còn 1/3 của đoạn này (vạch nhỏ) thì cho nước cốt chanh vào khuấy nhẹ đều.
+ Tiếp tục nấu cho tới khi nước đường cạn tới vạch 2/3 (vạch lớn, tính từ đáy nồi) thì cho hỗn hợp nước tro tàu + nước lã vào khuấy nhẹ đều. Để 5′ nữa là tắt bếp. Để nguội cho vào lọ cất nơi thoáng mát, tới 3 tuần sau thì có thể dùng.

Nếu không có nước tro tàu cũng không sao nhưng nước đường sẽ không lên được màu vàng cánh gián như trong hình sau. Nước tro tàu có thể mua ở chợ Bến Thành.

Hình lọ nước đường nhà SHS đã nấu trong 2 tuần:

Kinh nghiệm làm bánh dẻo và bánh nướng thì nước đường nấu xong cất vào hũ đậy kỹ để càng lâu bánh càng ngon . Trong tiệm họ thắng đường năm nay để dành đến sang năm mới làm .

Lưu ý: khi nấu nước đường không được dùng đũa, muỗng quậy trong nồi nước đường! Nếu không sẽ bị lại đường không dùng được.

Mùa bánh Trung Thu 2009

Chưa bao giờ nghĩ là sẽ tự làm được 1 cái bánh trung thu home-made… Vậy mà những chiếc bánh dẻo xinh xinh của nhà SHS đã ra lò vào giữa tuần trước trong sự ngạc nhiên của chính chủ nhân, hehe. Thật ra làm bánh TT không khó, nhất là bánh dẻo, cái khó duy nhất là sự chuẩn bị lỉnh kính trước khi làm. Nhờ google khá nhiều nguồn trên internet nên buổi sáng chạy ra chợ mua nguyên liệu xong về bày ra làm thì buổi tối đã có đúng 12 cái bánh cho người lớn và 3 con heo con xinh xinh cho Nah.

Tự chấm điểm cho cái bánh dẻo của mình 8 điểm vì bánh ra đúng được vị thơm ngát của nước hoa bưởi, nhân thì ngon hơn bánh ngoài tiệm làm, rẻ hơn rất nhiều so với bánh đi mua và tất nhiên sạch sẽ, vệ sinh hơn bánh công nghiệp!

Viết ra công thức làm bánh dẻo hơi dài dòng cho những ai mới bắt tay vào làm, nên tôi sẽ tách ra thành những bài viết khác nhau cho tiện mọi người tham khảo nhé.